Ba nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020

 

Hai nhà khoa học nhận Giải chính là PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Toán học), PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Y dược) và Giải trẻ thuộc về TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Vật lý).

Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/5 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu đã tham dự sự kiện.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ngành khoa học, các nhà khoa học được tôn vinh. Đóng góp của các nhà khoa học thời gian qua không chỉ là số lượng các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới, các giải thưởng, mà còn ở số lượng các sáng kiến hữu ích để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân.

“Điều đáng nói, trong khó khăn, thách thức chúng ta đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình động lực vươn lên trong khoa học công nghệ. Đấy là trong bối cảnh đất nước cùng cả thế giới phải chống dịch như thời gian vừa qua, vừa nghiên cứu mới, vừa ứng dụng những ứng dụng kết quả đã có và cùng nhau tự đặt ra cho mình những bài toán, thách đố, cùng giải quyết”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T. Huế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T. Huế.

Ở lĩnh vực Y dược, nghiên cứu của PGS Vương Thị Ngọc Lan đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ y học thế giới về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong các trường hợp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chuyển phôi đông lạnh được xem là cho kết quả có thai sinh sống cao hơn so với chuyển phôi tươi ở các trường hợp vô sinh bị hội chứng buồng trứng đa nang. Trước đây chưa có câu trả lời cho việc, liệu chuyển phôi đông lạnh có thể cho kết quả tương tự ở phụ nữ vô sinh không bị hội chứng đa nang. Nghiên cứu đã đi đến kết luận, đối với phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang, khi thực hiện IVF, chuyển phôi đông lạnh không làm tăng có ý nghĩa tỉ lệ thai diễn tiến hay tỉ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (bìa phải) trao giải cho PGS Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: T. Huế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (bìa phải) trao giải cho PGS Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: T. Huế.

PGS Lan cho biết, đã có gần 1.000 bệnh nhân tham gia để các nhà khoa học trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tìm ra giải pháp điều trị tốt nhất và giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân khác. “Sau nghiên cứu này chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ làm nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng và ngày càng được giới khoa học thế giới biết đến”, bà Lan nói.

Công trình nghiên cứu của PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt) giải quyết vấn đề cơ bản trong toán học đó là, bài toán tối ưu nửa đại số: tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số (là tập được xác định bởi các phương trình và bất phương trình đa thức). Dựa vào các kết quả nghiên cứu, chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn được xác định bằng cách giải một số hữu hạn các bài toán quy hoạch nửa xác định.

Ba nhà khoa học tại lễ trao giải (TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, PGS.TS Phạm Tiến Sơn và PGS Vương Thị Ngọc Lan). Ảnh: T. Huế.

Ba nhà khoa học tại lễ trao giải (TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, PGS.TS Phạm Tiến Sơn và PGS Vương Thị Ngọc Lan). Ảnh: T. Huế.

Chia sẻ trong ngày nhận giải, PGS Sơn cho biết, con đường đến với toán học bắt đầu từ những năm trung học phổ thông và nên ông đã theo học ngành Toán tại trường Đại học Đà Lạt. Theo PGS Sơn, luôn có hai khó khăn cơ bản đối với những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt với các bạn trẻ) đó là thời gian cho nghiên cứu ít và kinh phí được tài trợ không nhiều và không phải khi nào cũng có. Ông đã vượt qua những trở ngại và gắn bó với hoạt động nghiên cứu bằng niềm đam mê khoa học, mong muốn học hỏi và khám phá cái mới. “Kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học”, PGS Sơn nói.

Giải trẻ năm nay được trao cho TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu. Công trình nghiên cứu của TS Hiếu đưa ra một phương pháp khác để xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu từ hướng tiếp cận điện môi. Hướng tiếp cận hiện tại là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng, vốn là một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm, ghi nhận và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Tác giả giành giải nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và 200 triệu đồng tiền thưởng.

Theo Bích Ngọc – VNExpress